ĐỜI LÀ NHỮNG CÁI LỖ
Cuộc đời, chung quy cũng chỉ là những cái lỗ. Gã nằm khểnh, gác chân chữ ngũ ngẫm nghĩ. Sinh ra từ cái chỗ ấy, đó là một cái lỗ. Muốn sống, phải ăn uống ỉa đái, cũng nhờ vào những cái lỗ. Rồi cuối cùng, khi chết, người ta đem chôn, tức là chui vào một cái lỗ nữa.
Gã được dưa đến đây cùng vài kẻ khác trên một cái xe bít bùng. Sau gần bốn tiếng đồng hồ bị quăng quật, dồn ép bởi những cú vượt, cú lách. Gã bước xuống một nơi hoàn toàn xa lạ. Vây quanh đám người mới, những kẻ đen trùi trũi, tay cầm khúc cây dài đến nửa mét nhìn chòng chọc như muốn ăn tươi nuốt sống đám người mới này.
Gã đến hôm trước, hôm sau gã đã đánh nhau. Chẳng phải gã muốn lấy số, nhưng gã không chịu được, chúng nó ép gã quá, gã cũng phải liều chống lại thôi.
Gã đang ăn cơm, mùi gạo mốc, mùi thum thủm, tanh tanh của cá ươn kho qua quýt làm gã không nuốt nổi. Đã thế, chúng nó còn đổ cả một ca nước đái lên đầu gã. Gã cúi gằm mặt, lặng lẽ nuốt từng hạt cho hết hẳn tô cơm. Ăn xong, gã lúi húi ở hầm bô. Mấy thằng đang ngồi xoay tròn pha trà ở giữa phòng. Gã bình thản cầm lên một tô đầy cứt đặt vào giữa: “Tụi bay cho tao ăn cơm với nước đái, giờ tao mời tụi bay uống trà với cứt.” Cả bọn trố mắt nhìn gã, chúng lao vào gã mà đấm đá, gã cũng không kém. Thế là đánh nhau một trận ra trò.
Gã thua, điều ấy là hẳn nhiên. Một mình gã làm sao chống lại được mười mấy thằng. Chẳng đứa nào dám can gián vì sợ liên lụy nên chúng co hết về chỗ của mình ngồi im thin thít. Gã lết về cạnh hầm bô, chỗ nằm của gã. Máu trên mặt gã chảy xuống môi mặn chát, gã thè lưỡi liếm rồi nuốt. Máu của gã, gã không thể phí phạm.
Chừng mươi hôm, những vết thương trên người gã đã lành, bọn chúng lại bày trò với gã. Chúng xếp hàng một, dạng chân chữ bát rồi gọi gã lên. Một thằng bảo: ''Muốn sống yên ổn thì bò qua háng các ông nội mày, các ông nội mày tha cho.'' Gã làm thinh, quỳ xuống như chuẩn bị bò. Bất thần, tay gã tung ra một cú đấm, thằng đứng đầu tiên rú lên một tiếng rồi vật xuống. Cả bọn sợ hãi không dám xông vào đánh gã nữa. Chúng đã biết chúng không thể chơi lại với gã.
Cái thằng chịu cú đấm của gã phải nằm bệnh xá, nghe đâu bị dập hòn dái. Gã bị kỉ luật. Người ta đẩy gã vào căn phòng bé xíu, tối như hũ nút. Đón gã là sáu bảy thằng xăm trổ vằn vện. Chúng bắt gã ngồi “tụng kinh”. Gã đưa mắt nhìn một lượt từng thằng rồi chấp hành nghiêm chỉnh. Với bọn này, gã có thể bỏ mạng chứ không chơi, vả lại "tụng kinh'' cùng lắm là mười lăm ngày, nhằm nhò gì, gã đã từng ngồi thiền liên tục hai mươi ba ngày trừ giờ ăn ngủ và sinh hoạt cá nhân. Gã chẳng sợ.
Gã đã nhầm. Ngày thứ năm gã nhận ra điều đó. Mỗi khi gã muốn ép hơi xuống đan điền đều bị dội ngược trở ra. Cũng phải thôi, cả tháng nay, mỗi bữa gã chỉ ăn được vài thìa với cái khay cơm chết tiệt ấy. Bây giờ gã chỉ còn biết chấp nhận, gã không còn đủ sức để chống lại nữa.
Mười ngày. Hai chân gã lâm râm tê buốt như bị kim châm. Gã thử đứng lên nhưng sụm xuống liền. Ngày thứ mười lăm, người ta mở cửa cho gã ra. Ánh sáng chói lòa làm gã hoa mắt đổ vật xuống. Gã không thể đứng lên được nữa. Hai chân gã bám đầy những hột tròn tròn, trăng trắng chứa đầy mủ. Bệnh ghẻ đã hỏi thăm đến gã sau mười lăm ngày không tắm rửa.
Người ta cho gã xuống bệnh xá. Gã nằm đó, không thuốc men, không người chăm sóc. Nằm giường bên là thằng cha mắc si-đa giai đoạn cuối, trần truồng, ốm nhách. Hắn ăn ỉa tại chỗ làm căn phòng luôn bốc lên mùi hôi thối, tanh lợm đến ghê người.
Đêm đêm, tiếng xe vào chở xác làm gã sợ. Thằng cha bị si-đa cũng đã chết, gã nhìn vào cái giường hắn nằm và nhẩm tính xem bao giờ thì đến lượt gã. Trong mắt gã ánh lên một tia nhìn sắc lạnh.
Gã hì hục dùng đôi bàn tay còn cử động được mài cái thìa nhựa lên tường. Nửa khuya, gã bám thành giường ngồi đậy, tựa vào cửa sổ. Tay phải gã cầm cái thìa đã mài sắc, tay trái gã huơ ra trước mặt, đường gân hằn trên cánh tay chỉ còn da bọc xương. Bỗng nhiên, trong đầu gã hiện lên hình ảnh của người cha khắc khổ, hình ảnh người mẹ điên loạn khi nghe tin con mình đã chết. Gã run run đưa cái thìa lên ngang mặt nhìn một hồi lâu, đoạn gã nghiến răng quẳng cái thìa ra ngoài cửa sổ.
Cái thân thể này do cha mẹ gã sinh ra, dòng máu đang chảy trong người hắn cũng là của họ, gã không có quyền hủy hoại. Gã phải sống. Gã phải vượt qua cái cảnh khốn nạn này.
Cơ bắp của gã đã teo hết, chỉ còn trơ những ống xương. Chân gã, lớp mủ đông cứng bao quanh làn da vốn đã đen của gã. Gã dùng hai tay, lấy hết sức bám vào cửa sổ đu người lên. Đôi tay gã bật máu, gã cũng không nao núng. Đu mãi, rồi gã cũng bắt đầu đứng lại được.
Gã bò ra sân, vớ lấy hai khúc cây. Mỗi tay một khúc, gã chống lên để tập đi. Mỗi lần ngã xuống gã lại lết người về bên cửa sổ. Sáu tháng, gã đã đi lại được dù vẫn lật đật như vua hề sác-lô. Gã cũng đã khỏi ghẻ nhờ việc khôn khéo ăn cắp thuốc của tay bác sĩ. Người ta đưa gã trở về trại, nhưng không cho gã về phòng cũ nữa.
Gã được bọn phòng mới vì nể sau những chiến tích, chúng xếp gã nằm ngay giữa phòng và thường kêu gã lên uống trà và tếu táo những câu chuyện giang hồ.
Gã xin được ra tưới những luống hoa trong khu, gã cứng cáp dần. Rồi người ta cho gã đi làm. Gã hào hứng làm việc, quên cả cực nhọc, gã thấy thoải mái vì gã đang dần dần tìm lại được sức lực của mình.
Một ngày, khi gã đang hì hục khâu lại cái quần rách bằng cọng dây kẽm, người ta gọi gã lên bên cửa sổ và hỏi: "Mày coi phòng được không?'' Gã đứng lên: "Được.'' Người ta mở cửa, bước vào tuyên bố: "Từ nay thằng Long coi phòng này. Đứa nào chống nó là chống tao. Nghe không?''. "Nghe!'' Cả phòng đồng thanh hô lớn. Nghiễm nhiên, gã ôm đồ đạc lên ngủ trên chỗ sạch sẽ nhất, thoáng mát nhất phòng.
Gã sắp xếp lại chỗ nằm cho từng người. Già cả, ốm yếu gã cho nằm chỗ thoáng, mấy thằng bặm trợn dựa hơi gã đút tuốt xuống cạnh hầm bô. Gã tuyên bố: "Anh em sống sao cho coi được, cái gì đủ thì thôi, đừng để quá ...'' Ai cũng biết nếu quá thì thế nào nên thực hiện răm rắp không chút phàn nàn. Sắp xếp xong, gã ngả người xuống làm một giấc. Đã lâu lắm rồi gã chưa được ngủ ngày.
Người ta gọi gã là Long "mì tôm.'' Tên ghép cũng được, cho khỏi lẫn với những thằng Long khác. Nhưng gã dị ứng với mấy cái đuôi như cọp, gấu, điên, lì ... Chả thế mà hôm gã cùng mấy thằng ngồi xem ti vi bên C6, tự dưng gã hỏi Thành "heo'': ``Băng của tụi mày trước ở thảo cẩm viên hả?'' Thành "heo'' gật đầu, gã tuôn một hơi: "Thảo nào tao thấy bạn mày nào là Hưng cá sấu, Lộc voi, Đức mèo, Tuấn đại bàng rồi lại Thịnh đầu bò và Hiệp chó nữa ...'' Cả đám cười ngặt nghẽo, Thành "heo'' nhìn như muốn nuốt sống gã mà chẳng dám làm gì.
Gã cũng chúa ghét xăm mình, bữa trước, thằng trực sinh vừa đấm bóp cho gã vừa thỏ thẻ:
- Anh! mai mốt em lên cho anh con đại bàng trên lưng. Thằng Mai bên C3 vẽ đẹp ghê hồn.
Gã bật dậy:
- Đại. Đại cái con mẹ mày!
Cùng với câu chửi, thằng trực sinh nhận ngay một cú đạp vào giữa ngực. Trước đây sức gã có mười giờ chỉ còn năm, nhưng cú đạp cũng đủ cho thằng trực sinh tội nghiệp nằm ôm ngực rên khò khè một đống. Nó cũng là đứa biết nịnh đấy, nhưng tội của nó là nịnh không đúng người ...
Phòng có thăm nuôi, theo lệ, gã được một nửa những gì mang về đến phòng. Mấy đứa mang lên cho gã, gã ném trả lại:
- Của mày mày ăn, tao không có lệ chặt chém.
Chúng nó càng nể sợ gã hơn, năn nỉ mãi, gã cũng nhận gói chè và mấy bao thuốc. Gã để đấy, chè thì tối tối gã pha cho tất cả phòng cùng uống, thuốc thì gã găm lại, khi nào vã quá gã mới lôi ra chia cho anh em. Gã là thế, trong phòng càng nể sợ gã thì bên ngoài, nhiều kẻ càng căm ghét gã.
Có lần, gã dẫn quân đi lấy cơm, qua cửa F5 gặp Toản "nam định,'' Toản vẫy gã lại gần rồi nói:
- Hôm nào tao với mày quy tập dân bắc dựng cờ, cho bọn dân nam xuống chiếu.
Gã chẳng thèm trả lời, quay lưng đi thẳng. Bắc với nam thì khác mẹ gì, thằng nào nắm quyền cũng chỉ làm khổ anh em. Vả lại, gã thấy mấy thằng bắc kì như gã ở đây toàn thằng mắt lươn tai chuột. Liều thì có liều thật, từ bắc vào trong này không liều có mà bán xới từ lâu, nhưng quan trọng là có biết sống hay không, gã không thích tranh giành, ỷ mạnh hiếp yếu.
Chuyện học nội quy cũng làm gã phì cười. Cả bản nội quy dài gần 10 trang giấy A4. Chữ nghĩa đầy mình như gã đọc cả ngày chằng thuộc, nói gì đến những kẻ không viết nổi tên mình. Người ta bảo gã tập trung cả phòng, xếp bốn hàng dọc rồi chọn một kẻ đọc trôi chảy nhất. Kẻ đó đọc trước, cả phòng đọc theo, ề à theo cái kiểu “rắn là một loài bò ...” như vậy đến tám đời cũng chả thuộc. Vậy mà cả tháng trời, ngày nào cũng như ngày nào, cái điệp khúc ấy hành hạ gã. Gã đành nằm bên ấm trà, lim dim đôi mắt mà suy ngẫm sự đời.
Gã lại nhếch một bên mép nhớ lại, thằng cha trung úy cũng trẻ như gã hỏi gã tên gì, quê quán ở đâu, gã khai thật. Đến phần trình độ, gã buông một câu: ''đại học''. Bốp! một cái tát nảy đom đóm khi gã vừa ngừng lời cùng một câu chửi như của những kẻ đầu đường xó chợ: "Đù má! lang thang mà bày đặt đại học.'' Ừ thì không phải! gã nói lại là học hết lớp bốn, thằng cha ghi ngay vào biên bản không ngần ngại. Trong đầu gã nảy ra một ý nghĩ, gã xin khai lại từ đầu. Gã nghĩ đến tuổi của gã, lấy tên là Long cho dễ nhớ, địa chỉ thì gã bảo là không có, lang thang nay đây mai đó, gã xuất thân từ trại trẻ mồ côi. Vậy mà lại hay. Khi kí tên, gã cầm bút kí loằng nhoằng như con giun, thế mà trong tờ biên bản có năm sau nét chữ có mỗi chữ kí của gã là đẹp nhất.
Thật ra ở đây cũng không phải là vô ích đối với gã. Gã cũng sáng mắt ra nhiều, gã được học những điều không một nhà trường nào dạy cho gã. Thì đấy, cái cách tuyển chọn nhân tào đấy, cứ đánh nhau khỏe, liều một tí là được trọng dụng ngay. Hay chuyện chữa bệnh chẳng hạn, anh nào ốm nhẹ chỉ cần cho nhảy xuống hố phân, bơi qua bơi lại mấy vòng với lũ giòi ngập đến cổ đố anh nào không khỏi, còn nặng như gã thì cứ cho nằm bệnh xá, qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Thằng nào khỏi thì sống, mà sống là miễn dịch, thằng nào yếu thì chết. Cũng đúng, sống mà bệnh tật, không làm gì cho đời thì sống tốn cơm gạo nhà nước chứ có ích gì ...
Gã cứ nằm ngẫm nghĩ lung tung như thế. Rồi gã ngủ. Chẳng biết gã ngủ được bao lâu, khi tỉnh lại, ý nghĩ ban đầu lại quay về với gã. Ở đời, phàm sung sướng và đau khổ, đều cũng xuất phát từ những cái lỗ, gã bật cười. Bất quá, đời cũng chỉ là những cái lỗ!
=========
Lão Quái.
P/S: Câu chuyện này lão viết từ ngày còn lang thang, hồi đó viết đăng trên báo tuổi trẻ chủ nhật hẳn hoi, cũng hơn 20 năm rồi. Dưng cơ mờ mấy hôm nay lão thấy lão dở hơi, nên đăng lại. Ai rảnh thì đọc, ai chán thì thôi, không hề hấn gì.
Cuộc đời, chung quy cũng chỉ là những cái lỗ. Gã nằm khểnh, gác chân chữ ngũ ngẫm nghĩ. Sinh ra từ cái chỗ ấy, đó là một cái lỗ. Muốn sống, phải ăn uống ỉa đái, cũng nhờ vào những cái lỗ. Rồi cuối cùng, khi chết, người ta đem chôn, tức là chui vào một cái lỗ nữa.
Gã được dưa đến đây cùng vài kẻ khác trên một cái xe bít bùng. Sau gần bốn tiếng đồng hồ bị quăng quật, dồn ép bởi những cú vượt, cú lách. Gã bước xuống một nơi hoàn toàn xa lạ. Vây quanh đám người mới, những kẻ đen trùi trũi, tay cầm khúc cây dài đến nửa mét nhìn chòng chọc như muốn ăn tươi nuốt sống đám người mới này.
Gã đến hôm trước, hôm sau gã đã đánh nhau. Chẳng phải gã muốn lấy số, nhưng gã không chịu được, chúng nó ép gã quá, gã cũng phải liều chống lại thôi.
Gã đang ăn cơm, mùi gạo mốc, mùi thum thủm, tanh tanh của cá ươn kho qua quýt làm gã không nuốt nổi. Đã thế, chúng nó còn đổ cả một ca nước đái lên đầu gã. Gã cúi gằm mặt, lặng lẽ nuốt từng hạt cho hết hẳn tô cơm. Ăn xong, gã lúi húi ở hầm bô. Mấy thằng đang ngồi xoay tròn pha trà ở giữa phòng. Gã bình thản cầm lên một tô đầy cứt đặt vào giữa: “Tụi bay cho tao ăn cơm với nước đái, giờ tao mời tụi bay uống trà với cứt.” Cả bọn trố mắt nhìn gã, chúng lao vào gã mà đấm đá, gã cũng không kém. Thế là đánh nhau một trận ra trò.
Gã thua, điều ấy là hẳn nhiên. Một mình gã làm sao chống lại được mười mấy thằng. Chẳng đứa nào dám can gián vì sợ liên lụy nên chúng co hết về chỗ của mình ngồi im thin thít. Gã lết về cạnh hầm bô, chỗ nằm của gã. Máu trên mặt gã chảy xuống môi mặn chát, gã thè lưỡi liếm rồi nuốt. Máu của gã, gã không thể phí phạm.
Chừng mươi hôm, những vết thương trên người gã đã lành, bọn chúng lại bày trò với gã. Chúng xếp hàng một, dạng chân chữ bát rồi gọi gã lên. Một thằng bảo: ''Muốn sống yên ổn thì bò qua háng các ông nội mày, các ông nội mày tha cho.'' Gã làm thinh, quỳ xuống như chuẩn bị bò. Bất thần, tay gã tung ra một cú đấm, thằng đứng đầu tiên rú lên một tiếng rồi vật xuống. Cả bọn sợ hãi không dám xông vào đánh gã nữa. Chúng đã biết chúng không thể chơi lại với gã.
Cái thằng chịu cú đấm của gã phải nằm bệnh xá, nghe đâu bị dập hòn dái. Gã bị kỉ luật. Người ta đẩy gã vào căn phòng bé xíu, tối như hũ nút. Đón gã là sáu bảy thằng xăm trổ vằn vện. Chúng bắt gã ngồi “tụng kinh”. Gã đưa mắt nhìn một lượt từng thằng rồi chấp hành nghiêm chỉnh. Với bọn này, gã có thể bỏ mạng chứ không chơi, vả lại "tụng kinh'' cùng lắm là mười lăm ngày, nhằm nhò gì, gã đã từng ngồi thiền liên tục hai mươi ba ngày trừ giờ ăn ngủ và sinh hoạt cá nhân. Gã chẳng sợ.
Gã đã nhầm. Ngày thứ năm gã nhận ra điều đó. Mỗi khi gã muốn ép hơi xuống đan điền đều bị dội ngược trở ra. Cũng phải thôi, cả tháng nay, mỗi bữa gã chỉ ăn được vài thìa với cái khay cơm chết tiệt ấy. Bây giờ gã chỉ còn biết chấp nhận, gã không còn đủ sức để chống lại nữa.
Mười ngày. Hai chân gã lâm râm tê buốt như bị kim châm. Gã thử đứng lên nhưng sụm xuống liền. Ngày thứ mười lăm, người ta mở cửa cho gã ra. Ánh sáng chói lòa làm gã hoa mắt đổ vật xuống. Gã không thể đứng lên được nữa. Hai chân gã bám đầy những hột tròn tròn, trăng trắng chứa đầy mủ. Bệnh ghẻ đã hỏi thăm đến gã sau mười lăm ngày không tắm rửa.
Người ta cho gã xuống bệnh xá. Gã nằm đó, không thuốc men, không người chăm sóc. Nằm giường bên là thằng cha mắc si-đa giai đoạn cuối, trần truồng, ốm nhách. Hắn ăn ỉa tại chỗ làm căn phòng luôn bốc lên mùi hôi thối, tanh lợm đến ghê người.
Đêm đêm, tiếng xe vào chở xác làm gã sợ. Thằng cha bị si-đa cũng đã chết, gã nhìn vào cái giường hắn nằm và nhẩm tính xem bao giờ thì đến lượt gã. Trong mắt gã ánh lên một tia nhìn sắc lạnh.
Gã hì hục dùng đôi bàn tay còn cử động được mài cái thìa nhựa lên tường. Nửa khuya, gã bám thành giường ngồi đậy, tựa vào cửa sổ. Tay phải gã cầm cái thìa đã mài sắc, tay trái gã huơ ra trước mặt, đường gân hằn trên cánh tay chỉ còn da bọc xương. Bỗng nhiên, trong đầu gã hiện lên hình ảnh của người cha khắc khổ, hình ảnh người mẹ điên loạn khi nghe tin con mình đã chết. Gã run run đưa cái thìa lên ngang mặt nhìn một hồi lâu, đoạn gã nghiến răng quẳng cái thìa ra ngoài cửa sổ.
Cái thân thể này do cha mẹ gã sinh ra, dòng máu đang chảy trong người hắn cũng là của họ, gã không có quyền hủy hoại. Gã phải sống. Gã phải vượt qua cái cảnh khốn nạn này.
Cơ bắp của gã đã teo hết, chỉ còn trơ những ống xương. Chân gã, lớp mủ đông cứng bao quanh làn da vốn đã đen của gã. Gã dùng hai tay, lấy hết sức bám vào cửa sổ đu người lên. Đôi tay gã bật máu, gã cũng không nao núng. Đu mãi, rồi gã cũng bắt đầu đứng lại được.
Gã bò ra sân, vớ lấy hai khúc cây. Mỗi tay một khúc, gã chống lên để tập đi. Mỗi lần ngã xuống gã lại lết người về bên cửa sổ. Sáu tháng, gã đã đi lại được dù vẫn lật đật như vua hề sác-lô. Gã cũng đã khỏi ghẻ nhờ việc khôn khéo ăn cắp thuốc của tay bác sĩ. Người ta đưa gã trở về trại, nhưng không cho gã về phòng cũ nữa.
Gã được bọn phòng mới vì nể sau những chiến tích, chúng xếp gã nằm ngay giữa phòng và thường kêu gã lên uống trà và tếu táo những câu chuyện giang hồ.
Gã xin được ra tưới những luống hoa trong khu, gã cứng cáp dần. Rồi người ta cho gã đi làm. Gã hào hứng làm việc, quên cả cực nhọc, gã thấy thoải mái vì gã đang dần dần tìm lại được sức lực của mình.
Một ngày, khi gã đang hì hục khâu lại cái quần rách bằng cọng dây kẽm, người ta gọi gã lên bên cửa sổ và hỏi: "Mày coi phòng được không?'' Gã đứng lên: "Được.'' Người ta mở cửa, bước vào tuyên bố: "Từ nay thằng Long coi phòng này. Đứa nào chống nó là chống tao. Nghe không?''. "Nghe!'' Cả phòng đồng thanh hô lớn. Nghiễm nhiên, gã ôm đồ đạc lên ngủ trên chỗ sạch sẽ nhất, thoáng mát nhất phòng.
Gã sắp xếp lại chỗ nằm cho từng người. Già cả, ốm yếu gã cho nằm chỗ thoáng, mấy thằng bặm trợn dựa hơi gã đút tuốt xuống cạnh hầm bô. Gã tuyên bố: "Anh em sống sao cho coi được, cái gì đủ thì thôi, đừng để quá ...'' Ai cũng biết nếu quá thì thế nào nên thực hiện răm rắp không chút phàn nàn. Sắp xếp xong, gã ngả người xuống làm một giấc. Đã lâu lắm rồi gã chưa được ngủ ngày.
Người ta gọi gã là Long "mì tôm.'' Tên ghép cũng được, cho khỏi lẫn với những thằng Long khác. Nhưng gã dị ứng với mấy cái đuôi như cọp, gấu, điên, lì ... Chả thế mà hôm gã cùng mấy thằng ngồi xem ti vi bên C6, tự dưng gã hỏi Thành "heo'': ``Băng của tụi mày trước ở thảo cẩm viên hả?'' Thành "heo'' gật đầu, gã tuôn một hơi: "Thảo nào tao thấy bạn mày nào là Hưng cá sấu, Lộc voi, Đức mèo, Tuấn đại bàng rồi lại Thịnh đầu bò và Hiệp chó nữa ...'' Cả đám cười ngặt nghẽo, Thành "heo'' nhìn như muốn nuốt sống gã mà chẳng dám làm gì.
Gã cũng chúa ghét xăm mình, bữa trước, thằng trực sinh vừa đấm bóp cho gã vừa thỏ thẻ:
- Anh! mai mốt em lên cho anh con đại bàng trên lưng. Thằng Mai bên C3 vẽ đẹp ghê hồn.
Gã bật dậy:
- Đại. Đại cái con mẹ mày!
Cùng với câu chửi, thằng trực sinh nhận ngay một cú đạp vào giữa ngực. Trước đây sức gã có mười giờ chỉ còn năm, nhưng cú đạp cũng đủ cho thằng trực sinh tội nghiệp nằm ôm ngực rên khò khè một đống. Nó cũng là đứa biết nịnh đấy, nhưng tội của nó là nịnh không đúng người ...
Phòng có thăm nuôi, theo lệ, gã được một nửa những gì mang về đến phòng. Mấy đứa mang lên cho gã, gã ném trả lại:
- Của mày mày ăn, tao không có lệ chặt chém.
Chúng nó càng nể sợ gã hơn, năn nỉ mãi, gã cũng nhận gói chè và mấy bao thuốc. Gã để đấy, chè thì tối tối gã pha cho tất cả phòng cùng uống, thuốc thì gã găm lại, khi nào vã quá gã mới lôi ra chia cho anh em. Gã là thế, trong phòng càng nể sợ gã thì bên ngoài, nhiều kẻ càng căm ghét gã.
Có lần, gã dẫn quân đi lấy cơm, qua cửa F5 gặp Toản "nam định,'' Toản vẫy gã lại gần rồi nói:
- Hôm nào tao với mày quy tập dân bắc dựng cờ, cho bọn dân nam xuống chiếu.
Gã chẳng thèm trả lời, quay lưng đi thẳng. Bắc với nam thì khác mẹ gì, thằng nào nắm quyền cũng chỉ làm khổ anh em. Vả lại, gã thấy mấy thằng bắc kì như gã ở đây toàn thằng mắt lươn tai chuột. Liều thì có liều thật, từ bắc vào trong này không liều có mà bán xới từ lâu, nhưng quan trọng là có biết sống hay không, gã không thích tranh giành, ỷ mạnh hiếp yếu.
Chuyện học nội quy cũng làm gã phì cười. Cả bản nội quy dài gần 10 trang giấy A4. Chữ nghĩa đầy mình như gã đọc cả ngày chằng thuộc, nói gì đến những kẻ không viết nổi tên mình. Người ta bảo gã tập trung cả phòng, xếp bốn hàng dọc rồi chọn một kẻ đọc trôi chảy nhất. Kẻ đó đọc trước, cả phòng đọc theo, ề à theo cái kiểu “rắn là một loài bò ...” như vậy đến tám đời cũng chả thuộc. Vậy mà cả tháng trời, ngày nào cũng như ngày nào, cái điệp khúc ấy hành hạ gã. Gã đành nằm bên ấm trà, lim dim đôi mắt mà suy ngẫm sự đời.
Gã lại nhếch một bên mép nhớ lại, thằng cha trung úy cũng trẻ như gã hỏi gã tên gì, quê quán ở đâu, gã khai thật. Đến phần trình độ, gã buông một câu: ''đại học''. Bốp! một cái tát nảy đom đóm khi gã vừa ngừng lời cùng một câu chửi như của những kẻ đầu đường xó chợ: "Đù má! lang thang mà bày đặt đại học.'' Ừ thì không phải! gã nói lại là học hết lớp bốn, thằng cha ghi ngay vào biên bản không ngần ngại. Trong đầu gã nảy ra một ý nghĩ, gã xin khai lại từ đầu. Gã nghĩ đến tuổi của gã, lấy tên là Long cho dễ nhớ, địa chỉ thì gã bảo là không có, lang thang nay đây mai đó, gã xuất thân từ trại trẻ mồ côi. Vậy mà lại hay. Khi kí tên, gã cầm bút kí loằng nhoằng như con giun, thế mà trong tờ biên bản có năm sau nét chữ có mỗi chữ kí của gã là đẹp nhất.
Thật ra ở đây cũng không phải là vô ích đối với gã. Gã cũng sáng mắt ra nhiều, gã được học những điều không một nhà trường nào dạy cho gã. Thì đấy, cái cách tuyển chọn nhân tào đấy, cứ đánh nhau khỏe, liều một tí là được trọng dụng ngay. Hay chuyện chữa bệnh chẳng hạn, anh nào ốm nhẹ chỉ cần cho nhảy xuống hố phân, bơi qua bơi lại mấy vòng với lũ giòi ngập đến cổ đố anh nào không khỏi, còn nặng như gã thì cứ cho nằm bệnh xá, qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Thằng nào khỏi thì sống, mà sống là miễn dịch, thằng nào yếu thì chết. Cũng đúng, sống mà bệnh tật, không làm gì cho đời thì sống tốn cơm gạo nhà nước chứ có ích gì ...
Gã cứ nằm ngẫm nghĩ lung tung như thế. Rồi gã ngủ. Chẳng biết gã ngủ được bao lâu, khi tỉnh lại, ý nghĩ ban đầu lại quay về với gã. Ở đời, phàm sung sướng và đau khổ, đều cũng xuất phát từ những cái lỗ, gã bật cười. Bất quá, đời cũng chỉ là những cái lỗ!
=========
Lão Quái.
P/S: Câu chuyện này lão viết từ ngày còn lang thang, hồi đó viết đăng trên báo tuổi trẻ chủ nhật hẳn hoi, cũng hơn 20 năm rồi. Dưng cơ mờ mấy hôm nay lão thấy lão dở hơi, nên đăng lại. Ai rảnh thì đọc, ai chán thì thôi, không hề hấn gì.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: