Tâm lý học (Tiếng Anh: psychology) là ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi, tìm hiểu về các hiện tượng ý thức và vô thức, cũng như cảm xúc và tư duy. Đây là một bộ môn học thuật với quy mô nghiên cứu rất sâu rộng.
Các nhà tâm lý học tìm hiểu về những tính chất rõ nét của não bộ và những hiện tượng đa dạng liên kết với những tính chất trên. Ở phương diện y sinh này, tâm lý học gắn bó chặt chẽ và là một phần của khoa học thần kinh. Từ phương diện khoa học xã hội, tâm lý học tìm hiểu về các cá nhân và cộng đồng bằng cách thiết lập những nguyên tắc chung và nghiên cứu những trường hợp đặc trưng.Trong lĩnh vực này, người có chuyên môn ứng dụng hoặc nghiên cứu lý thuyết được gọi là nhà tâm lý học, hoặc có thể được phân loại thành nhà nghiên cứu xã hội, nhà nghiên cứu hành vi hay nhà nghiên cứu nhận thức. Nhiệm vụ của nhà tâm lý học là tìm hiểu vai trò của chức năng tâm thần (mental functions) trong hành vi cá nhân hay hành vi xã hội, cùng với việc khám phá những quy trình sinh học thần kinh và sinh lý, là cơ sở của chức năng nhận thức và hành vi.
Nhà tâm lý học khám phá các quy trình tâm thần và hành vi, bao gồm những khái niệm như tri giác, nhận thức, chú ý, cảm xúc, trí tuệ, trải nghiệm chủ quan, động cơ, chức năng não, và nhân cách; mở rộng ra những lĩnh vực về giao tiếp con người như mối quan hệ cá nhân, bao gồm bình tâm năng, gia tâm năng và những khái niệm có liên quan khác. Các trạng thái và hoạt động của tâm trí vô thức cũng được nghiên cứu và xem xét trong tâm lý học. Nhà tâm lý học sử dụng các phương thức nghiên cứu kinh nghiệm để diễn giải mối quan hệ nhân quả và tương quan giữa những yếu tố tâm lý - xã hội. Ngoài việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu kinh nghiệm và suy diễn, một số nhà tâm lý học - nhất là các nhà tâm lý học lâm sàng và tham vấn - đôi khi cũng dựa vào thông diễn học và các phương pháp quy nạp khác. Tâm lý học được miêu tả như một ngành"khoa học trung tâm", với những khám phá trong ngành có ảnh hưởng đến những nghiên cứu và quan điểm của những bộ môn như khoa học xã hội, khoa học thần kinh, và y học.
Bên cạnh việc những kiến thức tâm lý học thường được ứng dụng vào việc đánh giá tâm lý và trị liệu cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nó còn trực tiếp hỗ trợ cho việc nắm bắt và xử lý những vấn đề thuộc về hành vi và hoạt động của con người. Dưới nhiều góc nhìn khác nhau, tâm lý học có mục đích cuối cùng là mang lại ích lợi cho xã hội. Phần đông những nhà tâm lý học có liên quan đến vai trò trị liệu, điều trị lâm sàng, tham vấn hoặc làm việc trong trường học. Nhiều người khác thực hiện nghiên cứu khoa học về nhiều chủ đề có liên quan đến quy trình tâm thần và hành vi, thường làm việc trong những khoa tâm lý học trực thuộc các trường đại học, hoặc làm công tác giảng dạy và đào tạo tại các môi trường học thuật khác (như trường y hay bệnh viện). Một số làm về tâm lý học nghề nghiệp trong các tổ chức, công ty; hoặc trong những lĩnh vực khác như tâm lý học phát triển và lão hóa, tâm lý trong thể thao, tâm lý trong y học cộng đồng, tâm lý trong truyền thông đại chúng, tâm lý trong lĩnh vực pháp y.
Tư vấn tâm lý thường được nhầm lẫn với tâm lý học lâm sàng vì chúng khá giống nhau. Mặc dù hai lĩnh vực này có một số điểm tương đồng, nhưng chúng là hai chuyên ngành hoàn toàn khác biệt. Tư vấn tâm lý chủ yếu tập trung giúp đỡ những người khoẻ mạnh về mặt tâm lý và cảm xúc. Trong khi đó, tâm lý học lâm sàng quan tâm nhiều hơn đến việc điều trị và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn (đa nhân cách, tâm thần phân liệt, rối loạn sau sang chấn).
View More On Wikipedia.org